VIDEO QUẢNG CÁO
CHỨNG NHẬN & THÀNH TÍCH
LIÊN KẾ WEBSITE
Hỗ trợ online

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng nước ngọt

Chạy theo phong trào

Ông Huỳnh Văn Thạch (ngụ thị trấn An Châu, H.Châu Thành, An Giang) cho biết: “Mấy vụ liền nuôi cá tra thất bại nên không còn vốn nuôi tiếp, nhưng ao hầm có sẵn chẳng lẽ bỏ không lãng phí. Suy tính đủ đường, cuối cùng tôi về Bạc Liêu học nuôi tôm TCT. Nắm được kỹ thuật, nhờ các công ty giống, thức ăn tư vấn, tôi đã chuyển 5.000 m2 ao nuôi cá sang nuôi tôm TCT”.

Do tôm TCT sống quen với điều kiện nước lợ nên ông Thạch “sáng kiến” khoan tìm nước mặn để nuôi tôm TCT vào giữa tháng 1.2014. Thời gian đầu tôm phát triển rất tốt, nhưng khi được 2 tháng tuổi thì tôm có biểu hiện bệnh nên phải bán sớm với giá 125.000 đồng/kg (tôm loại 100 con/kg); sau khi trừ chi phí còn lời hơn 160 triệu đồng. “Nuôi chưa tròn vụ (vụ khoảng 3 tháng) nhưng vẫn lời khá cao, điều này cho thấy tôm TCT rất có triển vọng dù lần đầu được nuôi trong vùng nước ngọt”, ông Thạch khẳng định.

Cũng từng điêu đứng vì con cá tra, ông Nguyễn Hữu Trinh (ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, H.Châu Phú, An Giang) chuyển 5.000 m2 ao sang nuôi tôm TCT vào đầu tháng 2.2014. Ông đang rất an tâm vì hơn 2 tháng nay tôm phát triển rất ổn định.

Còn tại Đồng Tháp, nông dân các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự cũng ùn ùn nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt. Ông Đỗ Văn Nhì (ngụ xã Phú Thành B, H.Tam Nông) cho biết: “Gần đây, do giống bị thoái hóa nên nuôi tôm càng xanh không còn hiệu quả. Vì vậy tôi vừa chuyển 1 ha mặt nước sang nuôi tôm TCT. Tôi thuê người khoan tìm nước ngầm, kết hợp rải muối xuống ao để biến “nước ngọt” thành nước mặn. “Sáng kiến” này đã giúp tôm TCT phát triển tốt”.  

Nhiều nỗi lo…

Đồng Tháp hiện có 44 hộ tự phát nuôi tôm TCT, với diện tích khoảng 47 ha. Trong đó có 7 hộ đã thu hoạch gần 4,2 ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha; giá bán từ 120.000 - 149.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời từ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Do hiệu quả khá cao nên nhiều hộ dân đang có ý định mở rộng diện tích nuôi tôm TCT. Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: “Qua khảo sát thực tế cho thấy tôm TCT phát triển bình thường trong môi trường ao nuôi có độ mặn từ 1 - 3‰. Tuy nhiên, người nuôi dễ gặp sự cố kỹ thuật, nhất là đảm bảo độ kiềm, pH, ô xy hòa tan, khoáng chất cần thiết trong môi trường có nồng độ muối thấp…”.

Theo ông Vũ, việc nuôi tôm TCT tự phát sẽ có những phát sinh như khai thác tràn lan làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và xả nước mặn ra bên ngoài dẫn tới ô nhiễm môi trường. Nếu nước bị nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến lúa và các cây trồng khác. Đặc biệt, một khi tôm TCT phát triển nhanh về diện tích sẽ gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây sang các đối tượng nuôi nước ngọt khác.

Trước những nỗi lo trên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng dù tôm TCT đang có hiệu quả nhưng không vì thế mà nuôi tràn lan trong vùng nước ngọt, bởi tỉnh không hề có chủ trương nuôi loại tôm này. Để tránh những hệ lụy có thể xảy ra, UBND yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, UBND các huyện Tam Nông, Hồng Ngự và TX.Hồng Ngự kiểm tra những hộ đang nuôi tôm TCT; đồng thời tuyên truyền rõ về những nguy hại của tôm TCT nuôi trong vùng ngọt, vận động sau vụ này bà con không nuôi tôm TCT nữa, mà chuyển sang nuôi tôm càng xanh hoặc các loại thủy sản nước ngọt khác.        

Theo ông Trần Châu Phương Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, do tôm TCT là đối tượng dễ nhiễm bệnh và bùng phát trên diện rộng nên có nguy cơ lây lan qua vùng nuôi tôm càng xanh. Ngoài ra, khi nền đất bị nhiễm mặn sẽ nguy hại cho cây lúa nên An Giang đề nghị không phát triển nuôi loại tôm này. Tổng cục Thủy sản cũng khẳng định không khuyến khích nuôi tôm TCT tại các vùng nước ngọt, bởi tôm dễ bị bệnh, tỷ lệ sống thấp và nguy cơ nhiễm mặn trong vùng nước ngọt...



Công Ty Thủy Sản Việt Hoa